Xem chi tiết tại đây.
Sự nguy hiểm của bệnh dại và biện pháp phòng chống bệnh dại ở người
Hiện nay trên thế giới, bệnh Dại đang là vấn đề y tế được quan tâm do những ảnh hưởng về sức khỏe cộng đồng; gây nên những cái chết thảm khốc. Một khi các triệu chứng lâm sàng đã xuất hiện, tỷ lệ tử vong là 100% đối với cả động vật và người. Nguồn mang mầm bệnh chủ yếu là ở chó (90%), mèo nuôi 5% và động vật hoang dã. Vi rút dại tập trung nhiều ở trong nước bọt và não của động vật bị nhiễm bệnh; đường lây truyền bệnh thông qua nước bọt, các chất bài tiết có nhiễm vi rút Dại ở vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh Dại.
Tại Quảng Trị, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm 2013 đến nay, ghi nhận 07 trường hợp tử vong bệnh Dại vào các năm 2013, 2014, 2016, 2021, 2022 và 2023. Các trường hợp này đều không tiêm huyết thanh hoặc vắc xin phòng bệnh Dại sau khi bị chó cắn.
Cho đến nay, bệnh Dại vẫn chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu khi bệnh đã bộc phát, tuy nhiên, đây là một bệnh có thể chủ động phòng tránh được. Có ba giải pháp chính để loại trừ bệnh Dại trên người: (i) tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo; tỷ lệ tiêm phòng liên tục trong nhiều năm phải đạt trên 70-90% tổng đàn chó, mèo. Đây là giải pháp duy nhất để làm gián đoạn vĩnh viễn chu kỳ truyền lây của bệnh Dại giữa động vật và người; (ii) Tiêm vắc xin phòng bệnh cho người có nguy cơ cao nhiễm bệnh Dại; (iii) Tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại cho người bị chó, mèo cắn.
PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI ĐỘNG VẬT
Để chủ động phòng chống bệnh Dại, ngăn ngừa nguy cơ bệnh Dại phát sinh, lây lan trên đàn chó, mèo, ngăn ngừa bệnh dại lây cho con người, người dân cần phải tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh Dại như sau:
1. Thực hiện nuôi nhốt chó mèo, không được thả rông, khi dắt chó, mèo ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm và xích, kể cả khi chó, mèo đã được tiêm phòng vắc xin dại. Thực hiện khai báo chó mèo nuôi với chính quyền địa phương nơi cư trú.
2. Phải tiêm phòng vắc xin dại định kỳ cho chó, mèo hằng năm, đây là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh dại lây lan và lây sang người.
3. Thông báo ngay cho cán bộ thú y hoặc trưởng thôn khi phát hiện thấy chó, mèo có biểu hiện thay đổi hành vi thông thường, hay cắn và nghi mắc bệnh dại; hợp tác với chính quyền để nhận diện, bắt giữ con chó đã cắn người; tuyệt đối không làm thịt chó, mèo bị ốm, có biểu hiện của bệnh dại hay chó, mèo chết.
4. Tìm hiểu về bệnh Dại và tryền thông cho gia đình, đặc biệt là cảnh báo cho trẻ em không bao giờ đến gần chó, mèo đang bị ốm hay chó, mèo có dấu hiệu hung dữ.
CÁC DẤU HIỆU ĐỂ NHẬN BIẾT BỆNH DẠI Ở CHÓ
- Có 3 dấu hiệu chính bệnh Dại ở chó
- Thứ nhất, Chó đột nhiên hay cắn người và động vật khác.
- Thứ 2, thay đổi hành vi thông thường như hay sủa, hay cắn.
- Và cuối cùng là chết.
- Biểu hiện lâm sàng ở chó nghi mắc bệnh Dại thường chia thành 2 thể:
Chó dại thể điên cuồng: Chó thay đổi thói quen thường ngày, hay tấn công và hung giữ bất thường, tiếng sủa thay đổi, rống lên như tiếng hú, trễ hàm, thè lưỡi ra ngoài, sợ gió, sợ nước và chảy nhiều nước dãi và chết.
Chó dại thể bại liệt: Chó trông buồn bã, mệt mỏi, nhai nuối khó khan. Chó bị bại liệt, hàm trễ và chảy dãi nhiều và chết.
Các biểu hiện đặc thù ở chó nghi dại
- Cắn khi không bị trêu chọc
- Ăn những thứ khác thường như gậy, móng chân.
- Chạy mà không có lý do rõ ràng
- Thay đổi trong âm thanh, ví dụ sủa khàn và gầm gừ hoặc sủa không ra tiếng
- Tiết nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép nhưng sợ nước (chứng sợ nước).
- Thay đổit hói quen thường ngày hoặc chết.
TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI NUÔI CHÓ, MÈO
- Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã thông qua Trưởng thôn, khu phố, tổ dân phố;
- Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.
- Chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định: vào tháng 3-4 và tiêm phòng cho đàn chó, mèo mới phát sinh hoặc đã hết thời gian còn miễn dịch bảo hộ.
- Thường xuyên theo dõi, giám sát chó, mèo nuôi của gia đình, nếu phát hiện con vật vô cớ cắn người hoặc tấn công động vật khác thì phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất;
- Chủ vật nuôi phải chi trả tiền mua vắc xin và công tiêm phòng dại.
- Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn người, gây tai nạn thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
- Phải bị xử phạt hành chính: từ 1.000.000 đồng - 2.000.000 đồng đối với chủ vật nuôi không thực hiện việc tiêm phòng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc; từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Dại.
CẦN LÀM GÌ KHI CHÓ CẮN NGƯỜI ?
- Thông báo cho cán bộ thú y xã, hoặc Trưởng thôn.
- Bắt chó để xích, nhốt lại vào chuồng.
- Không động chạm vào chó để đảm bảo được an toàn trong khi chờ cán bộ thú y đến xác định bệnh.
NGƯỜI BỊ CHÓ CẮN CẦN PHẢI LÀM GÌ?
- Vết thương cần được rửa ngay với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng thời gian từ 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể xối rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh Dại.
- Vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn Iod, nếu có.
- Đưa ngay bệnh nhân đến Trung tâm y tế để điều trị dự phòng càng sớm càng tốt.
- Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.
* Đối với con chó cắn người, nếu còn sống nên nhốt nó trong 10 ngày và theo dõi, nếu chó vẫn còn khoẻ mạnh thì có thể ngưng các biện pháp điều trị. Nếu chó bị đập chết, nên cắt đầu chó để xét nghiệm xác định bệnh Dại và thực hiện điều trị dự phòng theo chỉ định của cơ quan y tế.
XỬ LÝ NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG CHẤP HÀNH
Các biện pháp phòng, chống bệnh Dại
- Theo Nghị định 04/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2017/NĐ-CP về xử lý VPHC trong lĩnh vực thú y, Điều 7 Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
(1). Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;
(2) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
- Luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017: Hành vi để chó cắn chết người phụ thuộc vào ý thức chủ quan của chủ nuôi mà người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo những tội danh khác nhau quy định trong Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017:
- Tội giết người (Điều 123),
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác (Điều 134);
- Tội vô ý làm chết người (Điều 128)
- Xử lý hình sự: Điều 128. Tội vô ý làm chết người
+ Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
+ Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.