Xem chi tiết bài viết - Xã Vĩnh Thủy - Vĩnh Linh

Xây dựng nông thôn mới

Vĩnh Thủy, một lòng son. Bài 1: Đất nghèo nuôi anh hùng


Ngày cập nhật: Ngày cập nhật:  21:1, Chủ Nhật, 17-7-2022

(QT) - Nằm phía Tây huyện Vĩnh Linh, xã Vĩnh Thủy là một vùng đất có truyền thống lịch sử và văn hoá từ lâu đời. Nơi đây, từng có làng Thuỷ Ba với nghề bắt cọp dữ đã trở thành huyền thoại có một không hai trong cả nước và nổi danh với Chiến khu Thủy Ba , căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Pháp. Tháng 7/1931, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Vĩnh Thuỷ được ra đời tại làng Lại Xá đã soi đường dẫn lối và thổi bùng ngọn lửa anh hùng cách mạng trên mảnh đất này.

 

Theo chân cán bộ xã Vĩnh Thủy, chúng tôi đến nhà cụ Phan Ngọc Trực, ở thôn Thủy Ba Đông đúng vào giờ nghỉ trưa. Tuy vậy, người nhà cho biết giờ này cụ ít khi ở nhà mà thường đi đánh cờ ở cuối xóm, nếu có việc gấp thì phải đợi gọi cụ về. Gặp cụ Trực, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi biết năm nay cụ đã 84 tuổi mà vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Câu chuyện về những năm tháng hào hùng, oanh liệt của con người, mảnh đất Vĩnh Thủy được sống lại một cách sinh động qua lời kể rành rọt, mạch lạc của cụ - người xã đội phó phụ trách chiến đấu xã Vĩnh Thủy, giai đoạn 1961 - 1975. Xuyên suốt câu chuyện về những năm tháng sống, chiến đấu của vùng đất lửa anh hùng mà cụ Trực làm sống lại là được sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Vĩnh Thuỷ đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh, tiến hành nhiều cuộc đấu tranh để bảo vệ cuộc sống, gìn giữ mảnh đất thiêng liêng và đã giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Ấn tượng nhất là câu chuyện về “Ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ 11/11/1966” - Ngày quân và dân Vĩnh Thủy phối hợp bộ đội phòng không bắn rơi tại chỗ 6 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái. Với chiến công này, ngày 15/11/1966, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi: “…Đó là chiến thắng oanh liệt của một địa phương trong một ngày. Giặc Mỹ cũng phải thú nhận đó là một ngày đen tối cho không quân của chúng… Bác rất vui lòng, thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ đặc biệt khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Vĩnh Linh. Các địa phương hãy ra sức thi đua đánh giỏi thắng lợi như Vĩnh Linh”. Cụ Trực còn nhớ mãi lời nói lúc bấy giờ của đồng chí Bí thư Đảng ủy Phan Ngọc Chương tại cuộc họp giữa Bộ Chỉ huy quân sự khu vực Vĩnh Linh với Đảng ủy và Xã đội Vĩnh Thủy: “Các đồng chí về mau lên, một đại đội, một tiểu đoàn, một trung đoàn… Vĩnh Thủy chúng tôi xin phục vụ chu đáo”. Ngay sau đó, Thường vụ Đảng ủy xã họp ra nghị quyết, quyết tâm hạ máy bay để trả thù cho đồng bào, đồng chí đã hi sinh. Và đặc biệt ngày 5/11/1966, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Vĩnh Thủy họp đột xuất để huy động lực lượng làm trận địa, đồng thời nêu quyết tâm giành thắng lợi trong việc chuẩn bị cho trận đánh bằng hành động toàn Đảng bộ lấy máu viết quyết tâm thư gửi lên Thường vụ Khu ủy Vĩnh Linh với nội dung: “Quyết bám đất, bám dân, phòng tránh tốt nhất, phục vụ chiến đấu và chiến đấu tốt nhất, giữ bí mật tốt nhất”. Đảng ủy xã đã phân công cụ thể cho từng cấp ủy, phụ trách từng mũi phổ biến Nghị quyết Đảng bộ đến từng thôn, xóm dân cư.

Với chủ trương và quyết tâm cao của Đảng bộ, đến tối ngày 8/11/1966, Vĩnh Thủy đã huy động trên 400 dân quân tiến hành đào trận địa theo sự hướng dẫn của bộ đội. Để giữ bí mật, công việc đào trận địa chủ yếu làm vào ban đêm. Đào đến đâu dân quân chặt cây rừng ngụy trang đến đó. Chỉ trong một đêm, dân quân Vĩnh Thủy đã đào và làm được 36 trận địa, trong đó có 3 trận địa cho pháo 100 ly nòng dài ở tây La Ngà. Để thuận tiện cho lực lượng pháo cao xạ hành quân vào trận địa, quân và dân Vĩnh Thủy đã chặt cây rừng, thậm chí người dân ở đây còn tháo dỡ cánh cửa, bàn ghế… trong nhà ra lót đường chống lầy cho xe lăn bánh. Nhờ vậy, mà chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, 24 khẩu pháo đã vào trận địa sẵn sàng chiến đấu và làm nên chiến thắng lịch sử, vang dội ngày 11/11/1966.

Trong chín năm kháng chiến chống Mỹ từ 1964 - 1973, đế quốc Mỹ đã dùng 6.500 lượt máy bay bắn phá, trong đó có 45 lượt B52 rải thảm, trút xuống mảnh đất chưa đầy 50 km2 này hơn 60 vạn tấn bom đạn. Không khuất phục, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thuỷ đã cùng với Vĩnh Linh lũy thép làm tròn nhiệm vụ trên tuyến đầu Tổ quốc, viết nên chiến công lẫy lừng vào trang sử oanh liệt của quê hương, đất nước. Trong khó khăn, gian khổ cán bộ, đảng viên xã Vĩnh Thủy đã vững vàng kiên cường, gương mẫu đi đầu trong các phong trào chiến đấu. Ký ức người dân Vĩnh Thủy hôm nay vẫn còn nhớ mãi những tấm gương tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng như cụ Lê Thị Sen, lúc bấy giờ 65 tuổi có con trai là Lê Văn Ròng, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Trinh sát, liên lạc của xã bị hi sinh, cụ đã đi nhặt từng mảnh xương, thịt của con và đồng đội về chôn cất. Cụ Sen còn đến gặp Đảng ủy, Ban chỉ huy xã đội xin tình nguyện thay thế con chiến đấu. Không được giao nhiệm vụ vì tuổi cao sức yếu, cụ tích cực tham gia tuần tra canh gác, cứu thương, bảo vệ tài sản hợp tác xã. Hoặc cụ Lê Vĩnh Luyện, năm 1967 chiến tranh ác liệt, Đảng bộ xã Vĩnh Thủy có chủ trương đưa người già, trẻ em ra sơ tán ở Nghệ An, cụ Luyện lúc bấy giờ 63 tuổi đã xin ở lại và viết đơn bằng máu xin tham gia vào lực lượng dân quân địa phương. Nữ anh hùng Trương Thị Khuê đã cùng đồng đội chiến đấu bắn rơi nhiều máy bay địch hay khẩu đội súng máy kiên cường Lê Đa Kiểu…

Đất nghèo làm hậu phương lớn

Ở một vùng ác liệt như Vĩnh Thủy, trong suốt những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, quân và dân ở đây không chỉ làm nên những chiến công lẫy lừng trong chiến đấu mà còn vận dụng linh hoạt các phương thức sản xuất lương thực, thực phẩm để không những tự túc được lương thực tại chỗ mà còn trở thành hậu phương vững chắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Theo lời kể của ông Lê Vĩnh Thỉu, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Thủy cũng là người từng lăn lộn với công tác hợp tác xã lúc bấy giờ, những vụ cày cấy trên cánh đồng Vĩnh Thủy diễn ra ác liệt không kém gì chiến trường bởi cánh đồng Vĩnh Thủy nằm trong tầm quan sát của địch ở các đồn Cồn Tiên, Dốc Miếu. Dù vậy, thì các tổ dân quân vẫn bám lấy ruộng đồng để sản xuất. Địch đánh ngày thì sản xuất đêm. Địch đánh nơi này sản xuất nơi khác. Địch phá cây này thì trồng cây khác. Xã viên hợp tác xã lúc nào cũng sẵn sàng ra đồng vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Bên cạnh chiếc cày, con trâu, gánh lúa trên vai mỗi người dân ra đồng luôn có khẩu súng trường K44.

Với chủ trương của Đảng bộ xã Vĩnh Thủy lúc bấy giờ là “Bám đất, bám làng, bám đồng ruộng, tìm đất để sản xuất”, bình quân một lao động lúc bấy giờ vẫn đảm bảo gần 1 ha gieo trồng. Năng suất, sản lượng các hợp tác xã luôn đạt kế hoạch đề ra. Đáng nhớ nhất là thời điểm thu hoạch vụ đông xuân 1966 - 1967, lúa chín rộ cả đồng nhưng không thể nào gặt được vì B52 và pháo từ bờ Nam Hiền Lương và Hạm đội 7 ngày đêm bắn phá. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Vĩnh Thủy đã phát động chiến dịch “Điện Biên thu chiêm làm mùa diệt Mỹ” và thành lập Ban chỉ huy chiến dịch do đồng chí Phan Ngọc Chương, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thủy làm Chỉ huy trưởng. Chiến dịch này gồm 3 bước nhằm mục đích thu hoạch nhanh gọn lúa đông xuân, cày đất và chuẩn bị giống cho vụ hè thu. Sau chỉ đạo của Đảng bộ, các hợp tác xã triển khai chủ trương của Đảng ủy tận xã viên, từng hợp tác xã, từng đội sản xuất tổ chức đăng ký thi đua.

Các đội thành lập những tổ mũi nhọn do một đồng chí đảng viên phụ trách. Quy định cụ thể một sào có 3 người gặt, 1 đôi trâu, đi dọc đường từ làng ra đến ruộng cách nhau 100 mét. Một nhóm mũi nhọn khác có cả băng ca, túi cứu thương. Quy định bắt buộc cán bộ đảng viên tham gia 20 ngày công phục vụ chiến dịch. Nhờ chiến dịch này mà xã Vĩnh Thủy đã thu hoạch xong trên 1.000 mẫu lúa đông xuân trong vòng 18 ngày, đồng thời cày được 710/1.000 mẫu đất phục vụ sản xuất vụ hè thu. Cũng trong chiến dịch này, bom đạn Mỹ đã cướp đi 6 dân quân địa phương đang sản xuất trên đồng. Ác liệt, nguy hiểm là thế nhưng xã viên, dân quân địa phương vẫn bám đồng vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Bởi vậy năm 1967, thời điểm diễn ra chiến tranh ác liệt nhất song diện tích gieo trồng xã Vĩnh Thủy vẫn đạt 95% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực toàn xã đạt 1.000 tấn. Từ năm 1965 - 1968, dân quân và thanh niên xã Vĩnh Thủy vừa sản xuất vừa đánh địch trên 300 trận và giành được thắng lợi lớn đảm bảo được diện tích gieo cấy đúng thời vụ, năng suất cao thứ 2 trong khu vực. Xã Vĩnh Thủy không chỉ tự giải quyết được lương thực tại chỗ mà còn gửi vào tiền tuyến trên 1.500 tấn thóc.

Thành tích trong chiến đấu, sản xuất, phục vụ chiến đấu, phục vụ tiền tuyến của quân, dân xã Vĩnh Thủy những năm tháng ấy đã được Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1969. Viết tiếp truyền thống hào hùng của cha ông, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thủy ngày nay tiếp tục phát huy ý chí mạnh mẽ, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo trong công cuộc đổi mới quê hương.

CÁC TIN KHÁC
 

 
 

 
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH